Để chó mẹ có một kỳ sinh đẻ khoẻ mạnh cần rất nhiều yếu tố. Thành quả của quá trình chăm sóc tốn công sức này không chỉ là đàn cún con sinh ra đẹp khoẻ mà còn hạn chế được rất nhiều vấn đề phát sinh. Như mình đã từng đề cập ở nhiều bài trước, chó mẹ có thể khó sinh vì rặn đẻ yếu, thiếu sữa hoặc dễ sốt sữa (tụt canxi huyết hay cách gọi khác sốt canxi) v.v… Trong bài viết này, mình chia sẻ vài vấn đề chính:
Sức khoẻ tiền sinh sản
Là giai đoạn trước khi phối giống 2 tháng. Đây là lúc chó mẹ lấy lại phong độ sau kỳ sinh trước. Một số giống chó như Alaska, Husky sẽ thay toàn bộ lông sau khi sinh. Chó cái giai đoạn này sẽ phục hồi gần như toàn bộ sức khoẻ bao gồm cả cơ bắp thể lực cũng như nội tiết tố.
Mình hết sức quan tâm chăm sóc chó mẹ ở giai đoạn này. Một phần là vì tình cảm: muốn bù đắp cho chú chó cưng sau một kỳ sinh đẻ vất vả. Ăn uống tốt nhất, vận động tốt nhất, tinh thần tốt nhất! Chó cái phải gần như đạt thể trạng sung mãn trước khi phối giống lứa tiếp theo.
Cơ thể chó mẹ ở giai đoạn này cần tích luỹ đầy đủ về thể chất. Khi mang thai, chó mẹ sử dụng “vốn” tích luỹ này để nuôi thai. Sau khi sinh, cùng với chế độ dinh dưỡng cho chó nuôi con thì chính nền tảng thể chất này cũng giúp chó mẹ tiết sữa nuôi con tốt nhất. Mình tự tay đỡ đẻ nên mình hiểu rất rõ chó con vừa đẻ ra khoẻ mạnh là như thế nào. Và chỉ sau 2 tuần, ngay cả những chú chó con chỉ bú mẹ rất ít cũng vẫn rất khoẻ mạnh (được bú nhiều thì tất nhiên là bụ bẫm rồi).
Chế độ mang thai
Có rất nhiều sai lầm về cách nuôi chăm chó cái sau khi phối. Mình đã từng như vậy. Trước tiên là cố gắng cho chó mẹ ăn nhiều nhất có thể, vì cứ nghĩ là ăn nhiều để nuôi thai. Sau đó là mệt mỏi trông giữ chó cái hạn chế chạy, nhảy vì sợ xảy thai.
Thực tế là, nhiều con bị nghén rất lười ăn trong khi chủ thì mong nó ăn nhiều, thật nhiều. Rồi một số con khi có thai bị “khó ở” sinh ra cục cằn, lại bị nhốt để hạn chế chạy nhảy càng thêm cáu bẳn. Ví dụ như con mẹ Alaska nhà mình, mỗi khi nó bầu đang vui đùa có khi nó cũng cắn mấy con khác.
Thai kỳ chỉ thực sự phát triển nhanh từ ngày 40 sau khi phối giống. Trước thời điểm đó mình vẫn cho chó mẹ ăn như ngày thường. Nếu nó bỏ bữa hoặc ăn ít, không vấn đề gì vì nó sẽ lại ăn vào bữa sau.
Từ 35 – 40 ngày thai kỳ, đối với những dòng chó lớn như chó kéo xe thì tốt nhất mình sẽ siêu âm để dự đoán số thai (nhỏ từ Corgi trở lại không quan trọng). Việc này để tính toán tăng khẩu phần ăn chính xác nhất. Vì nếu cho ăn nhiều quá, thai sẽ rất to và dẫn đến nhiều nguy cơ biến chứng khi khó sinh. Ở giai đoạn này, ăn tăng cường cả về chất và lượng, chia nhiều bữa trong ngày, nhưng không cho ăn quá mức cần thiết. Nếu ở giai đoạn trước khi phối chó mẹ đã có thể chất tốt thì không phải lo lắng gì cả.
Chế độ vận động khi mang thai cũng rất quan trọng. Mình từng thót tim mỗi khi thấy chó cái đang mang thai chạy nhảy, ngay cả khi nó đứng lên bằng hai chân để với ôm chủ. Càng về sau mới thấy việc này chẳng khiến dễ sẩy thai đến mức phải kìm hãm vận động. Tất nhiên, vận động mạnh là không tốt với chó mang thai. Mình vẫn dắt đi bộ tập thể dục đều đặn, cho chơi đùa thoải mái. Chỉ hạn chế tối đa: nhảy cao và leo cầu thang. Đó là hai kiểu vận động gập bụng dễ gây ra động thai, sẩy thai.
Chăm sóc sức khoẻ sau sinh
Đây là lúc sức khoẻ chó mẹ ảnh hưởng tới cả chó con. Chó mẹ khoẻ sẽ có nhiều sữa, dọn vệ sinh cho con sạch sẽ và không có bệnh truyền nhiễm cho con.
Ngay từ lúc chó mẹ dạo ổ, nó đã bỏ ăn bỏ uống để sinh con. Vì vậy việc đầu tiên khi em bé đầu tiên ra đời là mình cho chó mẹ uống nước và ăn gel dinh dưỡng. Gel dinh dưỡng là một dạng tổng hợp vitamin và chất khoáng có tác dụng hồi sức rất nhanh. Một chú ý khác là mình cố gắng túc trực ngày đêm chờ chó mẹ sinh để đỡ đẻ giúp nó, không cho ăn nhau khiến rối loạn tiêu hoá (nhau thai chứa chất thải của thai nhi và… đầy vi khuẩn ủ sẵn). Việc đỡ đẻ cũng giúp chó mẹ đỡ mất sức cắn rốn, liếm khô chó con, liếm dọn ổ để sinh tiếp. Và phòng ngừa biến chứng khó sinh, thai ngược, bị ngạt v.v…
Sau khi chó mẹ sinh xong, mình thường chỉ cho ăn đúng 1 bữa cháo thịt cho dễ ăn, dễ tiêu hoá và nhanh lại sức. Ngay sau đó là bắt đầu thực đơn hồi phục sức khoẻ và nuôi con tốt sữa (mình có chia sẻ ở bài khác).
Cuối cũng là vấn đề vệ sinh cho chó mẹ. Dùng nước ấm và khăn để lau rửa lông bị ướt bởi nước ối, sấy khô. Thường xuyên lau hoa của chó mẹ để thấm hết sản dịch thải ra. Ba ngày sau khi sinh, mình sẽ tiêm ⅔ liều kích đẻ Oxytocyn một lần nữa để tử cung co bóp đẩy hết dịch ra tránh viêm nhiễm. Một tuần sau khi sinh mới chính thức tắm rửa sạch sẽ. Sau khi sấy khô dùng nước muối sinh lý để lau lại các bầu ti đề phòng dầu tắm còn xót lại.